BẢN TIN THỊ TRƯỜNG GẠO TUẦN 10/2019: PHILIPPINES CHÍNH THỨC TỰ DO NHẬP KHẨU GẠO, GIÁ GẠO XUẤT KHẨU TIẾP TỤC TĂNG
Tuần qua, thị trường gạo nổi bật với thông tin Đạo luật tự do hoá ngành gạo tại Philippines chính thức có hiệu lực, mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo lớn trong khu vực. Cụ thể, The Philippines Star cho biết, ngày 5/3, luật tự do hóa ngành gạo địa phương của quốc gia Đông Nam Á chính thức có hiệu lực, dự báo khả năng một lượng nhập khẩu lớn sẽ chảy vào Philippines trong năm nay.
Ngoài ra, khi luật này có hiệu lực, Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) Philippines sẽ bị tước bỏ các chức năng quản lý đối với hoạt động giao dịch gạo quốc tế và trong nước.
Các chức năng này gồm cấp phép và đăng kí của người và thực thể kinh doanh ngũ cốc, thu phí theo quy định, phát hành biên lai kho có thể thương lượng, kiểm tra kho, thẩm quyền thu giữ gạo tích trữ và thực thi các quy tắc, qui định trong kinh doanh ngũ cốc.
Theo Reuters, Philippines đang muốn thu mua gạo Việt Nam. Ngoài ra còn có Malaysia và Trung Quốc.
"Malaysia đang tiến hành thu mua và chúng tôi cũng đã được các khách hàng từ Trung Quốc và Philippines tiếp cận. Trung Quốc và Philippines đều đang muốn mua gạo Việt Nam", một thương nhân cho biết.
Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ mức 345 USD của tuần trước lên 355 USD/tấn.
Giá lúa giảm sâu tại các tỉnh ĐBSCL đã phục hồi với sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Ngân hàng nhà nước hồi đầu tuần này đã yêu cầu các ngân hàng thương mại địa phương hạ lãi suất cho vay xuống 6% đối với các khoản vay ngắn hạn cho nông dân, nhà chế biến gạo và các nhà xuất khẩu để giúp tiêu thụ sản lượng vụ đông xuân.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định sản xuất lúa gạo cần gắn với tiêu thụ là đầu ra, không thể cứ sản xuất rồi sau đó tìm đầu ra, tìm biện pháp - còn hay được gọi là giải cứu.
Ông Hải cho biết thêm, cần có sự điều hành chung từ chính phủ cũng với các bộ sản xuất như Bộ NN&PTNT và gắn với các bộ ngành địa phương liên quan thì mới có thể giải quyết vấn đề một cách cơ bản.
Tại Thái Lan, mọi chuyện không mấy thuận lợi khi nhu cầu vẫn ảm đạm; giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 380 - 390 USD/tấn (FOB) từ mức 383 - 398 USD của tuần trước.
"Các nhà xuất khẩu vẫn đang tìm đến Philippines để có thể đạt được một thỏa thuận, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn yên ắng", theo Reuters.
Còn tại Campuchia, Thủ tướng quốc gia này khuyến nghị các nhà xuất khẩu gạo nên chuyển hướng sang Trung Quốc và Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Ông Hun Sen cho hay xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Trung Quốc và Việt Nam là chìa khóa để sống sót của ngành sau khi EU áp thuế quan đối với gạo Campuchia và bước đầu tạm dừng chương trình miễn thuế mọi thứ trừ vũ khí (EBA) đối với quốc gia Đông Nam Á.
Bộ Thương mại Campuchia cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia vào Hệ Thống Đăng Ký Xuất Khẩu (REX) vừa được thiết lập gần đây.
Theo Khmer Times, hệ thống này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài chỉ với một chứng nhận tuyên bố xuất xứ thay vì "mẫu A" của Chứng nhận xuất xứ (CO) hiện tại.
Hệ thống REX vận hành dựa trên nguyên tắc tự chứng nhận. Khi tham gia hệ thống, các doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp xuất khẩu hợp pháp, cho phép họ có thể đưa ra chứng nhận tuyên bố xuất xứ của riêng mình.