Năm 2019: Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo quốc tế sẽ khốc liệt hơn
Năm 2018 ngành lúa gạo dường như đã khởi sắc với sự gia tăng tăng cả về giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn vào năm 2019 khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực; trong khi đó các quốc gia xuất khẩu (XK) gạo tăng cường xuất ra thị trường.
Năm 2018, gạo Việt ghi danh trên bản đồ nông sản
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), thời gian gần đây, tình hình XK gạo diễn biến khởi sắc. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã trúng nhiều gói đấu thầu XK gạo. Hoạt động thương mại gạo diễn biến theo xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi, thay vào đó là các hợp đồng thương mại; XK gạo cũng đã chuyển dần từ khối lượng sang chất lượng.
Tính chung cả năm, giá lúa gạo diễn biến tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng để đáp ứng các hợp đồng XK, với giá lúa thường IR50404 tăng từ 200 – 300 đ/kg, đạt mức phổ biến từ 5.400 – 5.500 đ/kg, tháng 11 đạt mức cao nhất trong năm là 5.600 – 5.700 đ/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 300 – 400 đ/kg, đạt mức phổ biến 5.700 đ/kg.
Gạo Việt Nam đã được XK đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, mặt hàng XK gạo kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn, mang về 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017.
Sau nhiều năm chịu phận lép vế trước đối thủ Thái Lan, vào tháng 3/2018, giá gạo XK bình quân đã bật tăng lên 475 USD/tấn, thay vì mức 435 USD/tấn của năm 2016 và 450 USD/tấn (2017). Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn cả giá gạo Thái Lan.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định, gạo Việt XK được giá cao là do chất lượng gạo đã tăng lên. Như trước đây chúng ta thường XK gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu XK.
Không đón tin vui về cả lượng và giá gạo XK, vào ngày 18/12/2018 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã chính thức công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2018 năm nay, gạo Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ nông sản khi Bộ NN-PTNT ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia Gạo Việt Nam/Vietnam Rice nhằm quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo.
Dù đi sau Thái Lan hơn 100 năm về chuyện xây dựng thương hiệu lúa gạo, nhưng gạo Việt Nam có thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam là điều hết sức ý nghĩa. Bởi, từ logo, thị trường thế giới sẽ phần nào nhận biết được gạo có xuất xứ Việt Nam, giúp gạo nước ta khẳng định được chất lượng, giá trị cũng như dễ dàng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
Bên cạnh những kết quả đạt được của năm 2018, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, thắng lợi của ngành lúa gạo trong năm 2018 là thắng lợi cơ cấu gạo chứ không phải của giá gạo. Ông Thủy phân tích, năm 2018, XK gạo đạt 6,15 tấn, tăng 6% về lượng nhưng tăng tới 20% về giá trị so với năm 2017. So với giá bình quân thế giới, gạo Việt đang cao hơn gạo của Thái Lan (435 USD/tấn), gạo Ấn Độ (410 USD/tấn). Tuy nhiên, nếu so từng mặt hàng của chủng loại gạo nếp, gạo thơm của Việt Nam lại thấp hơn so với Thái Lan, Ấn Độ từ 25-30%.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhận định, trong những năm tới, giá gạo sẽ tiếp tục tăng nhưng tính cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương lực, trong khi đó các quốc gia XK gạo tăng cường xuất ra thị trường.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Charoen Laothammatas - chủ tịch Hiệp hội các nhà XK gạo Thái Lan cho hay: Năm 2019, Ấn Độ được dự báo sẽ giữ vững vai trò dẫn dầu trong hoạt động XK gạo toàn cầu, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Mỹ. Trung Quốc, cũng dự kiến sẽ trở thành một nhân tố chủ chốt trên thị trường gạo thế giới trong năm tới, với lượng dự trữ khổng lồ tại đại lục.
Mục tiêu XK gạo đến 2020, định hướng đến 2030: Tỷ trọng gạo trắng thường chiếm khoảng 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo khoảng 10%. Để đạt mục tiêu, điều quan trọng với ngành lúa gạo Việt Nam là phải nâng cao chất lượng hạt gạo. Trong đó, dù thay đổi cơ cấu chủng loại thế nào, chất lượng là ưu tiên số một. “Cơ cấu sản phẩm gạo phải phù hợp với người tiêu dùng thế giới như người Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... thích gạo thơm, dẻo. Tuy nhiên, người dùng châu Phi lại thích gạo trắng”, ông Thủy cho biết thêm.
Cạnh đó, chính sách đất đai cần phải sửa đổi để xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, từ đó cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục quảng bá đưa thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam ra thị trường thế giới bằng cách tăng khả năng nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam.